Chủ đề Đại hội:
“Đòi hỏi phổ quát về Sự Thanh bình trong Trật tự.
Thông điệp Pacem in Terris, 50 năm sau”
(The Global Quest for Tranquillitatis Ordinis.
Pacem in terris, Fifty Years Later)
Kính gửi Giáo sư Mary Ann Glendon, Chủ tịch Hàn lâm viện Khoa học xã hội,
Tôi vui mừng chào thăm Bà Giáo Sư và tất cả những người quy tụ về Roma để tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học xã hội.
Quý vị đã chọn đề tài đánh dấu dịp kỷ niệm 50 năm công bố Thông điệp của Đức giáo hoàng Gioan XXIII mang tựa đề “Hòa bình trên Thế giới” (Pacem in Terris) khi học hỏi sự đóng góp của văn kiện quan trọng này cho giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Trong giai đoạn cao điểm của cuộc Chiến tranh lạnh, khi mà thế giới còn đang sống những giờ phút đe đọa đáng sợ do việc quảng bá khắp nơi các loại vũ khí giới hủy diệt hàng loạt, áp đặt cho thế giới, thì Đức giáo hoàng Gioan đã nói ra những điều được mô tả như là một “bức thư ngỏ gửi cho thế giới”. Đó là một lời kêu gọi từ con tim của một vị Mục Tử vĩ đại, đang tiến tới những ngày sau cùng của cuộc đời mình, vì lý do của hòa bình và công lý cần được cổ vũ một cách hiệu nghiệm trong lĩnh vực xã hội, quốc gia và quốc tế. Trong khi bối cảnh phổ quát về mặt chính trị đã thay đổi một cách thật ý nghĩa trong suốt một nửa thế kỷ đã qua, thì cái nhìn của Đức giáo hoàng Gioan còn đang mang tác động chỉ dạy chúng ta đi vào cuộc tranh đấu để đương đầu với những thách đố mới cho hòa bình và công lý trong thời đại Hậu chiến tranh lạnh, khi mà nhân loại đang chứng kiến những cuộc sản xuất vũ khí vẫn còn tiếp diễn.
“Thế giới sẽ không bao giờ là nơi cư ngụ của hòa bình, cho tới khi nào hòa bình tìm được một ngôi nhà để ở nơi tâm hồn của mỗi người và từng con người, cho tới khi nào tất cả cùng bảo tồn nơi chính mình trật tự đã được Thiên Chúa truyền lệnh phải được bảo tồn” (Thông điệp Hòa Bình trên Thế Giới, số 165). Trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội, có khoa Nhân chủng học là khoa học nhìn nhận trong con người hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, họ được phú bẩm cho lý trí và tự do, để có thể hiểu biết và yêu thương. Hòa bình và công lý là hoa trái của trật tự chính thực đã được ghi khắc trong con tim của con người (xem Rm 2, 15), vì thế hòa bình này có thể đạt tới được với mọi người có thiện chí, tới “mọi khách hành hương của sự thật và của bình an”. Thông điệp của Đức giáo hoàng Gioan đã là và vẫn còn là những lời kêu gọi phải dấn thân trong cuộc đối thoại sáng tạo giữa Giáo Hội và thế giới, giữa những người tin và những người không tin, cuộc đối thoại mà Công đồng Vatican II đã ân cần cổ vũ. Thông điệp này cống hiến một cái nhìn hoàn toàn mang tính Kitô về chỗ đứng của con người trong vũ trụ, với niềm tín thác rằng, khi làm như vậy Thông điệp đưa ra một sứ điệp của niềm hy vọng cho thế giới đang đói khát niềm hy vọng, một sứ điệp có thể vang lên với các dân tộc của mọi tín ngưỡng cũng như không tín ngưỡng, bởi vì sự thật về niềm hy vọng này có thể đạt tới từ hết mọi người.
Trong tinh thần đó, sau những cuộc tấn công khủng bố làm rung động thế giới vào tháng 9 năm 2001, Chân phước Giáo hoàng Gioan II nhấn mạnh rằng “không thể nào có hòa bình, nếu không có chân lý, không thể nào có công lý nếu không có sự tha thứ” (Sứ điệp ngày Hòa Bình Thế Giới, năm 2002). Quan niệm về sự tha thứ cần tìm ra con đường của mình để đi vào trong bài học có tầm mức quốc tế về việc giải quyết các cuộc xung khắc, như là để biến đổi ngôn ngữ khô cằn, khi các bên đổ tội cho nhau, một hành động không dẫn tới đâu cả. Nếu con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, một Thiên Chúa của công lý nhưng lại là Đấng “giàu lòng thương xót” (Ep 2, 4), thì các thuộc từ này cần được suy nghĩ trong việc hành xử các vụ việc của con người. Đó là việc kết nạp ý niệm về công lý và sự tha thứ, của công lý và ân sủng, là điều nằm trong trung tâm của câu trả lời của Thiên Chúa cho cách hành xử sai lầm của con người (xem Thông điệp Được cứu rỗi nhờ Hy Vọng [Spe salvi], 44), nói kiểu khác, nằm ngay trong con trung tâm của một trật tự đã được Thiên Chúa thiết định” (Thông điệp Hoà Bình Trên Thế Giới, 1). Sự tha thứ không phải là việc chối bỏ điều đã làm sai trái, nhưng là việc tham dự vào trong tình yêu chữa lành và biến đổi của Thiên Chúa là tình yêu hòa giải và tái tạo.
Như vậy một điều cũng thật ý nghĩa và có sức hùng biện hấp dẫn, khi người ta đã chọn lựa chủ đề cho Khóa họp đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Châu Phi (nhấn mạnh là của tôi) vào năm 2009: “Giáo Hội tại Châu Phi trong việc phục vụ cho Hòa giải, Công lý và Hòa bình”. Sứ điệp mang sự sống này của Phúc Âm đã mang lại hy vọng cho hàng triệu người dân Phi Châu, khi giúp họ đứng dậy để vượt lên trên các đau khổ đang hành hạ họ bởi các chế độ đàn áp và các cuộc đối nghịch huynh đệ.
Cũng giống như thế, Đại Hội về Giáo Hội tại Vùng Trung Đông đã đề cao những chủ đề về tình hiệp thông và việc làm chứng từ, về tính duy nhất của tâm trí và linh hồn mang lại nét đặc thù nơi những người dấn thân đi theo ánh sáng của sự thật. Những sai lầm trong lịch sử và những bất công chỉ có thể được thắng nổi, nếu con người nam cũng như nữ, được gợi hứng từ một sứ điệp chữa lành và hy vọng, một sứ điệp có khả năng cống hiến một con đường tiến thẳng về phía trước, đi qua những ngõ cụt thường ngăn cản, khóa chặt con người và các dân tộc trong một cái vòng luẩn quẩn của bạo lực.
Từ năm 1963, một số những cuộc tranh chấp xem ra là không thể giải quyết được vào thời điểm đó, thì bây giờ đã đi vào trong lịch sử. Trong khi chiến đấu cho hòa bình và công lý trong thế giới ngày nay, chúng ta hãy để trong con tim niềm tin tưởng rằng cuộc theo đuổi chung của chúng ta về một trật tự đã được Thiên Chúa thiết định, về một thế giới trong đó nhân phẩm của mỗi con người được kính trọng, như là điều phải lẽ, điều đó có thể và sẽ mang lại hoa trái.
Tôi trao phó các quyết định mà quý vị sẽ đưa ra, cho sự hướng dẫn hiền mẫu của Đức Maria, là Nữ Vương Ban Sự Bình An.
Kính thưa Đức giám mục Sanchez Sorondo, và tất cả quý vị tham dự viên Khóa họp Đại hội lần thứ XVIII, tôi vui lòng ban phép lành Tông Tòa cho quý vị.
Từ điện Vatican, ngày 27-4-2012.
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng
(Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
dịch từ bản tiếng Ý
do Văn phòng Báo chí Tòa Thánh công bố
ngày 30-4-2012)
ĐGH Bênêđictô XVI