Thực hiện: Joseph Đặng Chiến - Chiendang@gmail.com

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Diễn văn của ĐTC Phan-xi-cô trước các Giám Mục Đức

Anh em thân mến,

Thật là vui mừng đối với tôi khi được chào thăm anh em nhân dịp anh em về đây, Vatican, để thực hiện chuyến viếng thăm Ad Limina của mình. Cuộc hành hương tới mộ các Thánh Tông Đồ là một khoảnh khắc có ý nghĩa to lớn trong cuộc sống của mỗi Giám Mục. Nó thể hiện một sự làm mới lại sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, mà Giáo hội ấy đang tiến về phía trước ngang qua không gian và thời gian với tư các là dân lữ hành của Thiên Chúa, bằng cách là Giáo hội trung thành mang theo di sản Đức Tin xuyên qua các thế kỷ để mang đến cho tất cả mọi dân tộc. Tôi xin hết lòng cám ơn Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, vì lời chào chân thành của Ngài. Đồng thời tôi cũng muốn nói lên niềm biết ơn của tôi đối với anh em, vì anh em đã cùng tôi gánh vác sứ vụ của Thánh Phê-rô thông qua lời cầu nguyện của anh em cũng như thông qua những hoạt động mà anh em thực hiện tại Giáo hội địa phương của anh em. Tôn cũng xin cám ơn một cách đặc biệt về sự hỗ trợ to lớn mà, thông qua rất nhiều những tổ chức cứu trợ của mình, Giáo hội tại Đức đã thực hiện cho rất nhiều người trên khắp thế giới.

Giờ đây chúng ta đang sống trong một thời khắc đặc biệt. Hàng trăm ngàn người tị nạn đã trẩy tới Châu Âu hay đang trên đường kiếm tìm sự bảo vệ trước chiến tranh và trước cơn bách hại. Các Giáo hội Ki-tô giáo và nhiều công dân đơn lẻ nơi đất nước anh em đang thực hiện một sự đóng góp vĩ đại trong việc đón nhận những người tị nạn ấy cũng như trong việc trao cho họ sự giúp đỡ và sự gần gũi nhân đạo. Trong tinh thần Ki-tô giáo, chúng ta luôn luôn muốn tái đặt mình trước những thách đố mà chúng phát sinh thông qua một con số lớn những con người đang tìm kiếm sự trợ giúp. Đồng thời chúng ta hãy trợ giúp tất cả mọi sáng kiến nhân đạo hầu làm cho tình trạng cuộc sống tại những quốc gia nguyên quán tái trở nên dễ chịu đựng hơn.

Các cộng đoàn Công Giáo tại Đức đang được phân biệt một cách rõ ràng giữa Đông và Tây, nhưng cũng còn giữa cả Bắc và Nam nữa. Khắp nơi, Giáo hội đang dấn thân một cách chuyên nghiệp trong lãnh vực xã hội và bác ái, và cũng đang hoạt động một cách cực kỳ đặc biệt trong ngành giáo dục. Nhưng người ta cần lưu tâm tới việc bảo vệ và duy trì nét đặc trưng của Giáo hội Công giáo trong những định chế đó. Và như thế, những định chế đó sẽ là một nhân tố tích cực không được phép coi nhẹ trong việc kiến tạo một cộng đồng bền vững. Nhưng mặt khác, ngay tại những khu vực có truyền thống Công giáo, một sự sụt giảm rất mạnh trong việc tham dự các Thánh Lễ Chúa Nhật cũng như trong việc sống các Bí Tích, đang được kê ra. Tại những nơi mà vào những năm 60 của thế kỷ trước vẫn còn phổ biến với việc hầu như cứ hai người tín hữu thì có một người tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật một cách đều đặn, thì ngày nay, con số những người như thế chỉ còn ít hơn 10%, và là điều không hiếm. Càng ngày người ta càng ít đến với các Bí Tích hơn. Bí Tích Cáo Giải không hiếm khi bị khuất dạng. Càng ngày càng có ít người Công giáo đến lãnh nhận bí Tích Thêm sức và Bí Tích Hôn Phối. Con số những ơn gọi dành cho sứ vụ Linh mục và Đời Sống Thánh Hiến đã giảm xuống một cách mạnh mẽ. Khi tận mắt chứng kiến thực tế này, thực sự người ta phải nói về một sự xói mòn Đức Tin Công giáo tại Đức.

Chúng ta có thể làm gì ngược lại? Điều trước tiên được nêu ra là, vượt thắng sự ngao ngán có khả năng làm tê liệt. Chắc chắn sẽ không thể tái thiết một cái gì đó từ những đồ vật bị sóng đánh dạt vào bờ của „thời tốt đẹp xa xưa“, tức điều của ngày hôm qua. Nhưng chúng ta có thể để cho mình được gây cảm hứng một cách hoàn toàn bởi đời sống của các Ki-tô hữu nguyên thủy. Chúng ta chỉ cần nhớ tới Prisca và Aquila, họ là những cộng tác viên trung thành của Thánh Phao-lô. Với tư cách là một cặp vợ chồng, họ đã công bố Tin Mừng bằng những Lời đầy thuyết phục (xc. Cv 18,26), nhưng trước tiên là bằng đời sống của họ, họ đã công bố rằng, chân lý mà nó được đặt nền móng trên Tình Yêu của Chúa Ki-tô đối với Giáo hội của Ngài, thực sự đáng tin cậy. Họ đã mở cửa nhà của họ ra cho việc loan báo Tin Mừng, và kín múc sức mạnh từ Lời Chúa cho sứ vụ của họ. Gương sáng của cặp vợ chồng này có thể giúp chúng ta suy nhĩ khi tận mắt chứng kiến một khuynh hướng thể chế hóa để mang đến khả năng tiếp tục phát triển của Giáo hội. Các cấu trúc mới luôn được tạo ra cho những tín hữu thực sự thiếu chúng. Đó là một loại tân chủ thuyết Pelagianis, chủ thuyết này sẽ dẫn tới việc đặt niềm tín thác của chúng ta trên sự quản lý, trên hệ thống các cơ quan. Nhưng việc tập trung quyền lực quá đáng sẽ làm phức tạp hóa đời sống Giáo hội cũng như phức tạp hóa động năng truyền giáo của Giáo hội, chứ không phải là giúp Giáo hội (xc. Ewangelii gaudium, 32). Giáo hội không phải là một hệ thống khép kín, tức hệ thống thường xuyên xoay quanh những vấn nạn và những câu đố giống hệt nhau. Giáo hội sống động, Giáo hội trao bản thân mình cho những con người sống tại những vùng ngoại vi, Giáo hội có thể cho phép cũng như có thể kích thích sự bất an. Giáo hội có một khuôn mặt, nhưng khuôn mặt ấy không cứng đơ và cũng không đẫn đờ. Giáo hội là một thân thể đang chuyển động, đang phát triển và có những cảm xúc. Và thân thể đó thuộc về Chúa Giê-su Ki-tô.

Sự cần thiết trong lúc này chính là việc tái tổ chức lại công việc mục vụ, có nghĩa là „lo sao để tất cả mọi cơ cấu của Giáo hội đều trở thành những cơ cấu có tính truyền giáo, tức sự chăm sóc mục vụ thông thường cần phải phát triển và mở rộng hơn nữa trong mọi lãnh vực của nó, và Giáo hội phải di chuyển những hoạt động trong lãnh vực mục vụ vào trong một tư thế thường xuyên lên đường, và như thế câu trả lời tích cực sẽ tạo điều kiện cho tất cả những người mà Chúa Giê-su đã giới thiệu cho họ biết về tình bằng hữu của Ngài“ (Evangelii gaudium, 27). Chắc chắn, những điều kiện có tính cách như là khung sườn sẽ không phải là điều nhất thiết có lợi cho điều đó trong xã hội ngày nay. Một tinh thần thế tục nào đó đang thống trị. Tinh thần thế gian ấy sẽ làm biến dạng các tâm hồn, nó dập tắt sự ý thức về thực tại. Một con người bị tục hóa sẽ sống trong một thế giới do chính mình tạo ra. Người ấy sẽ vây quanh mình với những thứ chẳng hạn như những tấm kính mờ để không ai từ bên ngoài có thể nhìn thấy. Thật khó trong việc đạt tới được những dạng người như thế. Mặt khác, Đức Tin của chúng ta nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa là Đấng luôn hành động trước tiên. Niềm xác tín này, trước hết, sẽ dẫn chúng ta vào trong cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người nam cũng như người nữ trong thành phố và trong Giáo phận của chúng ta, và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho chính chúng ta nữa, xin Chúa gửi một tia sáng của Tình Yêu Ngài và khuấy động những con tim xuyên qua những lớp kính mờ để những con tim đó có thể hiểu được sứ điệp của Ngài. Chúng ta phải ở bên cạnh con người, với sự nhiệt tình hăng hái của những người đã đón nhận Tin Mừng vào trong chính mình với tư cách là những người đầu tiên. Và „mỗi lần, khi chúng ta cố gắng quay trở về lại với nguồn mạch và tái đoạt lại sự tươi mới nguyên thủy của Tin Mừng, thì những con đường mới, những phương pháp đầy sáng tạo, những hình thức diễn tả khác, những chỉ dấu có sức diễn cảm, cũng như những lời nói giầu ý nghĩa, sẽ đột nhiên xuất hiện cho thế giới hôm nay. Trong thực tế, bất cứ hành vi truyền giáo đích thực nào cũng đều luôn luôn mới mẻ“ (Evangelii gaudium, 11). Bằng cách này, những con đường luân chuyển và những hình thức dậy Giáo lý sẽ có thể phát sinh, mà những con đường ấy sẽ giúp những người trẻ và những gia đình tái khám phá ra Đức Tin của Giáo hội một cách thực sự và vui mừng.

Trong mối liên hệ đến công cuộc tái loan báo Tin Mừng này, việc Giám mục đảm nhận sứ mạng của Ngài như là Thầy dậy Đức Tin, Thầy dậy Đức Tin được lưu truyền và được sống trong sự hiệp thông sống động của Giáo hội hoàn vũ, sẽ là điều tối cần thiết. Như một người cha ân cần lo lắng, Giám mục sẽ đồng hành với các phân khoa Thần học và giúp đỡ những nhà giáo để họ luôn đặt trước mắt tầm quan trọng của sứ vụ Giáo hội. Sự trung thành với Giáo hội và với quyền giáo huấn sẽ không mâu thuẫn với sự tự do có tính hàn lâm, nhưng nó sẽ thúc đẩy một thái độ sãn sàng phục vụ đối với ân sủng của Thiên Chúa. Sự đồng cảm với Giáo hội - Sentire cum Ecclesia – phải được nổi bật lên một cách đặc biệt nơi những người đào tạo và giáo dục những thế hệ trẻ. Ngoài ra, sự hiện diện của các phân khoa Công giáo tại những cơ sở giáo dục của nhà nước sẽ là một cơ hội để thúc đẩy sự đối thoại với cộng đồng xã hội. Anh em cũng hãy sử dụng Đại Học Công Giáo Eichstätt-Ingolstadt với phân khoa Công giáo của Đại Học này và với các lãnh vực khoa học chuyên môn khác nhau. Với tư cách là đại học Công giáo duy nhất tại đất nước anh em, cơ sở này có một giá trị to lớn đối với toàn nước Đức, và vì thế, một sự dấn thân tương ứng của toàn Hội Đồng Giám Mục sẽ là điều đáng ước ao để củng cố tầm quan trọng mang tính quốc gia của nó, và thúc đẩy sự trao đổi trong nhiều ngành học thuật về những vấn nạn của hiện tại và tương lai theo tinh thần Tin Mừng. 

Nếu chúng ta đưa mắt nhìn về các cộng đồng Giáo xứ, về những cộng đoàn mà trong đó Đức Tin có thể nhận biết và được sống với hầu hết mọi người, thì Giám mục phải đặt đời sống Bí Tích vào trong con tim với một cách thức đặc biệt. Ở đây chỉ hai điểm được nhấn mạnh: Bí Tích Cáo Giải và Bí Tích Thánh Thể. Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót sắp tới sẽ giới thiệu một cơ hội để tái khám phá ra Bí Tích Thống Hối và Giao Hòa. Tòa Giải tội chính là nơi mà sự tha thứ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được trao ban cho mỗi người. Trong Bí Tích Giao Hòa, sự biến đổi của cá nhân tín hữu và sự canh tân Giáo hội sẽ bắt đầu. Tôi xác tín rằng, trong Năm Thánh sắp tới và vượt ra ngoài Năm Thánh này, Bí Tích rất quan trọng ấy sẽ tìm thấy sự chú ý hơn nữa trong các kế hoạch mục vụ của các Giáo Phận và các Giáo xứ đối với sự canh tân tinh thần. Tương tự như thế, việc thường xuyên làm cho mối liên kết nội tại giữa Bí Tích Thánh Thể và chức Linh Mục được trở nên rõ ràng và hiển nhiên, cũng là điều rất cần thiết. Những kế hoạch mục vụ mà chúng không gán cho những Linh mục đã được tấn phong tầm quan trọng thỏa đáng trong sứ vụ lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa của họ, trong mối liên hệ đến sự kiến tạo Giáo hội và xây dựng đời sống Bí Tích, thì theo kinh nghiệm, sẽ thất bại. Sự trợ giúp đầy giá trị của các Ki-tô hữu giáo dân trong đời sống của các cộng đoàn, đặc biệt là tại những nơi mà ở đó những ơn gọi thiêng liêng đang bị thiếu hụt một cách đầy đau đớn, không được phép trở thành sự thay thế cho sứ vụ Linh mục, hay thậm chí cho phép điều ấy xuất hiện như là một sự lựa chọn tùy nghi. Không có Linh mục thì sẽ không có Bí Tích Thánh Thể. Mục vụ ơn gọi sẽ bắt đầu với niềm khát khao có được một vị Linh mục trong lòng các tín hữu. Một nhiệm vụ không quá cao vời của Giám mục chính là việc dấn thân cho sự sống. Giáo hội không bao giờ được phép mỏi mệt trong việc trở nên nữ chuyên viên bảo vệ sự sống, và không bao giờ được phép giảm bớt việc xác tín rằng, sự sống con người cần phải được bảo vệ một cách không giới hạn kể từ lúc được thụ thai cho tới cái chết tự nhiên. Ở đây chúng ta không thể đi vào sự thỏa hiệp, để không đồng lõa với nền văn hóa vứt bỏ mà tiếc rằng nó đang rất phổ biến. Những vết thương mà chúng bị tạo ra cho cộng đồng chúng ta bởi sự loại trừ và bởi sự „vất bỏ“ những người yếu đuối nhất và những người không thể tự vệ - vứt bỏ sự sống chưa được sinh ra cũng như những cụ già và các bệnh nhân, thật sâu hoắm biết chừng nào! Tất cả chúng ta đều là những người đang phải gánh mang những vết thương khổ đau đó!

Anh em thân mến, tôi xin cầu chúc cho anh em rằng, những cuộc gặp gỡ mà anh em đã có với Giáo Triều Rô-ma trong những ngày này, sẽ chiếu sáng con đường của anh em cùng với các Giáo hội của anh em trong những năm sắp tới, cũng như sẽ giúp anh em ngày càng nhận ra sứ mạng tinh thần và mục vụ của mình một cách tốt hơn. Nhờ thế anh em sẽ có thể thực hiện sự cộng tác cao quý và không thể thay thế của mình vào với sứ mạng chung của Giáo hội toàn cầu, với niềm vui và sự xác tín. Tôi xin anh em hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể chu toàn sứ mạng Phê-rô của tôi với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, và đồng thời tôi xin trao phó anh em cho lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, cho lời bầu cử của Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, cũng như cho lời bầu cử của các Chân Phúc và các Thánh trong đất nước anh em. Với trọn tấm lòng, tôi xin ban phép lành Tông Tòa cho anh em và cho tất cả các tín hữu trong từng Giáo phận của anh em.

Vatican ngày 20 tháng 11 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ