Trong thông điệp đầu tiền tập trung vào vấn đề môi sinh, Laudato si’, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi người hướng đến « một cuộc đối thoại mới về cách thức mà chúng ta xây dựng tương lai của hành tinh ».
Người nhận
Trong thông điệp này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với « mỗi người đang sống trên hành tinh này ». Ngài cũng đề nghị « đối thoại với mọi người về ngôi nhà chung của chúng ta » (số 3). Từ đó, ngài nhấn mạnh rằng mọi người phải cảm thấy có liên quan bởi vấn đề môi sinh đang chất vấn cách sống của chúng ta. Ngài cũng đối chiếu với thông điệp Pacem in terris của đức Gioan XXIII (1963) cũng được nói « với các tín hữu toàn cầu » và đồng thời cũng thêm « cũng như với tất cả những người thiện chí ». Đức Gioan XXIII đã viết rằng thế giới đang ở bên bờ của một cuộc khủng hoảng hạt nhân, đức Phanxicô nhắc lại như thế. Bằng việc tham chiếu này, ngài như muốn gợi ý rằng thế giới ngày nay đang bên bờ một thảm họa môi sinh và do đó thật cấp bách để hành động. Và theo hình ảnh của đức Gioan XXIII, vốn « không bằng lòng với việc loại bỏ chiến tranh, nhưng còn muốn chuyển đạt một đề nghị hòa bình », đức Phanxicô cũng muốn xúc tiến những đường hướng hành động.
Phương pháp tiến hành
Phương pháp tiến hành của Đức Thánh Cha Phanxicô là phương pháp về một sự phân định mà ngài theo đuổi trong suốt 6 chương của thông điệp. Ngài bắt đầu bằng việc lượng giá hoàn cảnh hiện tại, bằng cách dựa vào những kết quả của nghiên cứu khoa học (chương 1). Tiếp đến, ngài trình bày truyền thống Do thái-Kitô giáo để làm nổi bật những lý do của một cuộc dấn thân cho môi sinh (chương 2). Tiếp nữa, ngài đưa ra một đề nghị về nền môi sinh toàn diện, vừa môi trường, kinh tế và xã hội (chương 4). Từ đó, ngài xác định những định hướng và hành động (chương 5). Ngài kết thúc diễn tiến suy tư của mình bằng cách chỉ ra những nguồn mạch thiêng liêng có thể cho phép nhân loại thay đổi (chương 6).
Chẩn đoán
Đức Thánh Cha bắt đầu bằng việc giải thích rằng suy tư triết học và thần học cần đối diện với thực tại để đừng cho cảm tưởng lặp đi lặp lại cùng một thứ và ở trong trừu tượng. « Chính Kitô giáo, qua việc duy trì trung tín với căn tính của mình và với kho tàng chân lý nhận được từ Chúa Giêsu- Kitô, luôn luôn tự tái suy tư và tái diễn tả trong cuộc đối thoại với các hoàn cảnh lịch sử mới mẻ, từ đó cho thấy tính mới mẽ mãi mãi của mình » (số 121).
Việc chẩn đoán – « những gì đang diễn ra trong ngôi nhà chúng ta » – là ảm đạm : nạn ô nhiễm và biến đổi khí hậu, mối đe dọa đến các nguồn nước sách, sự mất đi tính đa dạng sinh học, sự lệch hướng của phẩm chất đời sống con người và sự xuống cấp xã hội…
« Chúng ta chưa bao giờ đối xử tệ và làm hại cho ngôi nhà chung của chúng ta như thế trong hai thế kỷ qua », Đức Thánh Cha cảnh giác và đồng thời đả phá một mô hình phát triển dẫn đến xự xuống cấp của môi sinh. Điều mà tất yếu tác động đến đời sống con người, bắt đầu bằng người nghèo khổ nhất. Ngài bảo vệ luận đề theo đó « không có hai cuộc khủng hoảng tách rời nhau, một về môi sinh và một về xã hội, nhưng chỉ một cuộc khủng hoảng duy nhất và phức tạp về môi sinh-xã hội (số 139).
Ngài viết tiếp : « Những hoàn cảnh này gây nên sự rên xiết của chị trái đất, mà gắn kết với tiếng rên xiết của những người bị bỏ rơi của thế giới, trong tiếng kêu gào đòi hỏi chúng ta một đường hướng khác » (số 53).
Một lời đáp trả phải có tính toàn cầu
Đáng chú ý là từ « hệ thống » – đôi khi được coi là phức tạp – nhiều lần trở lại dưới ngòi bút của ngài : hệ thống thế giới, hệ thống công nghiệp, hệ thống khí hậu… Điều này có một hệ quả lô-gíc : do bởi bản chất hệ thống của nó, cuộc khủng hoảng môi sinh không mong đợi những yếu tố đáp trả một phần. Cần phải có một lối tiếp cận toàn diện cuộc khủng hoảng này cả về môi sinh, kinh tế, xã hội, văn hóa, mà cũng bao hàm vấn đề công bằng.
« Những khả năng giải pháp đòi hỏi một lối tiếp cận toàn diện để chống lại sự đói nghèo, để trả lại phẩm giá cho những người bị loại trừ và đồng thời để bảo vệ thiên nhiên » (số 139). Nói cách khác, người ta không thể bằng lòng đề nghị « một phương thuốc kỹ thuật cho mỗi vấn đề môi sinh đang nổi lên », vì « đó là đang cô lập những điều vốn đan xen lẫn nhau trong thực tế, và đó là đang che giấu những vấn đề đích thực và sâu xa hơn của hệ thống thế giới » (số 11). Thêm nữa, cũng nên thừa nhận rằng « một lối tiếp cận môi sinh đích thực luôn biến thành một lối tiếp cận xã hội, vốn phải bao gộp công bằng trong những cuộc thảo luận về môi sinh, để lắng nghe những tiếng rên xiết của trái đất cũng như tiếng kêu than của người nghèo » (số 49).
Những trở ngại
Hoàn cảnh là cấp bách. Tuy nhiên, như Đức Thánh Cha nhận xét, mọi sự tiến triển rất chậm. Ngài nhìn nhận con đường trải qua của phong trào môi sinh từ nhiều thập niên và chào mừng tất cả những ai dấn thân trên con đường này. Đồng thời, ngài ghi nhận rằng những nỗ lực để tìm ra những giải pháp cụ thể cho cuộc khủng hoảng môi sinh thường tỏ ra thất bại « không chỉ do sự đối lập của những người có quyền lực, nhưng còn do thiếu quan tâm từ phía những người khác ». « Những thái độ làm tắc nghẽn các con đường giải pháp, ngay cả nơi các tín hữu, đi từ việc phủ nhận vấn đến cho đến sự dửng dưng, sự cam chịu dễ dàng, hay sự tin tưởng mù quáng nơi các giải pháp kỹ thuật » (số 14).
Đức Thánh Cha đặc biệt phê bình cách nghiêm khắc cộng đồng quốc tế, yếu kém trong phản ứng chính trị của mình : « Sự tùng phục của chính trị đối với công nghệ kỹ thuật và và tài chính được tỏ lộ trong sự thất bại của các cuộc Hội nghị thượng đỉnh thế giới về môi sinh. Có quá nhiều lợi ích riêng tư, và rất dễ dàng lợi ích kinh tế đi đến chỗ thắng thế trên công ích và thao túng thông tin để không thế những kế hoạch của nó bị tác động đến. (…) Liên minh giữa kinh tế và công nghệ kỹ thuật cuối cùng để sang một bên những gì không thuộc về những lợi ích tức thời của họ. Do đó, người ta chỉ có thể trông chờ một vài tuyên bố giả tạo, một vài phản ứng thương người riêng biệt, thậm chí là những nỗ lực để cho thấy một sự nhảy cảm đối với môi sinh, khi mà, trên thực tế, mọi sáng kiến của các tổ chức xã hội nhằm sửa đổi sự việc sẽ được coi như là một sự phiền toái được gây nên bởi những nhà không tưởng lãng mạn hay như một trở ngại phải lẩn tránh » (số 54). Một vài tháng trước khi cuộc họp về khí hậu (Cop 21) diễn ra tại Paris, những lời này muốn đặt cộng đồng quốc tế trước những trách nhiệm của mình.
Ngài cũng mạnh mẽ tố giác ý muốn của các nước giàu áp đặt cho các nước nghèo một cuộc kiểm soát sinh sản với lý do sự tăng trưởng dân số sẽ không tương thích với sự phát triển. Đối với Đức Thánh Cha, lý luận này trên thực tế chỉ che giấu thói ích kỷ của người giàu : « Cáo buộc sự gia tăng dân số chứ không phải chủ nghĩa tiêu thụ thái quá và có chọn lọc của một số người là một một cách thức không đương đấu với các vấn đề. Như thế người ta có tham vọng hợp pháp hóa mô hình phân phối hiện hành trong đó một thiểu số tự cho mình quyền tiêu thụ trong một tỉ lệ mà bất khả phổ cập, bởi vì hành tinh thậm chí không thể chứa đựng những rác thải của một não trạng tiêu thụ như thế ».
Hy vọng
Bất chấp những trở ngại này, Đức Thánh Cha đã không cam chịu. « Thách đố cấp bách bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta bao hàm mối bận tâm hiệp nhất toàn thể gia đình nhân loại trong việc tìm kiếm cuộc phát triển bền vững và toàn diện, vì chúng ta biết rằng mọi sự có thể thay đổi » (số 13). Những lý do của sự tin tưởng của ngài, ngài tìm thấy chúng trong lịch sử thánh. Như trong đoạn về chiếc tàu của ông Nô-ê, khi Thiên Chúa « ban cho nhân loại khả năng về một sự khởi đầu mới. Cũng đủ cho một người tốt lành để người ấy có hy vọng ! » (số 71) hay về sau trong cuộc lưu đày ở Babylon (số 74). « Niềm hy vọng mời gọi chúng ta nhận ra rằng luôn có một lối thoát, chúng ta luôn có thể xác định lại hướng đi, chúng ta luôn có thể làm điều gì đó để giải quyết các vấn đề » (số 61).
Đức Thánh Cha còn diễn tả niềm hy vọng này khi nhận xét rằng « tất cả không bị mất đi, bởi vì con người, có thể trở nên tồi tệ hơn, cũng có thể vượt lên, một lần nữa chọn lựa điều thiện và tái sinh, vượt quá tất cả những tình trạng điệu kiện hóa tâm trí và xã hội mà người ta áp đặt cho họ. Họ có thể đối diện nhau cách lương thiện, công khai bày tỏ sự không thích thú của mình và khởi đầu những con đường mới hướng đến tự do đích thực » (số 205).
Những đề nghị
Có một từ thường xuyên trở lại trong thông điệp, và nhất là trong chương đề nghị những định hướng và hành động : từ « đối thoại ». « Tôi cấp thiết mời gọi cần có một cuộc đối thoại mới về cách thức chúng ta xây dựng tương lai của hành tinh », Đức Thánh Cha viết trong phần dẫn nhập của thông điệp (số 14). « Tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng môi sinh đòi hỏi tất cả chúng ta suy nghĩ đến công ích và tiến tới trên con đường đối thoại vốn đòi hỏi kiên nhẫn, hãm mình và lòng quảng đại, chúng ta luôn nhớ rằng ‘thực tại cao hơn ý tưởng’ » (số 201).
Đối thoại là con đường bắt buộc nhắm đến những câu trả lời toàn diện mà không ai sở hữu : đối thoại giữa khoa học và tôn giáo « vốn đề nghị những lối tiếp cận khác nhau về thực tại » và có thể trở nên phong nhiêu cho cả hai (số 62) ; giữa đức tin và lý trí (số 63) ; giữa các tín hữu thuộc các truyền thống và niềm tin tôn giáo khác nhau (số 64) ; giữa ngôn ngữ khoa học và kỹ thuật và ngôn ngữ đại chúng (số 143) ; giữa chính trị và kinh tế (số 189) ; giữa các ngành học (số 197) và giữa các khoa học (số 201) ; giữa các phong trào môi sinh khác nhau, « nơi mà những cuộc chiến đấu có tính ý thức hệ không hề thiếu » (số 201)…
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến phẩm chất và sự trong sáng của cuộc đối thoại trong tiến trình những cuộc thương lượng trên bình diện quốc tế nhằm đạt được một sự đồng thuận (số 165). « Việc dự kiến tác động đến môi trường của những sáng kiến và kế hoạch đòi hỏi những tiến trình chính trị trong sáng và tuân thủ đối thoại, đang khi sự tham nhũng, vốn che giấu tác động môi trường thực sự của một kế hoạch để đổi lấy những ân huệ, thường dẫn đến những sự đồng thuận lừa lọc mà người ta tránh né thông tin và sự tranh luận rộng rãi » (số 182).
Tóm lại, đối thoại, đó là từ chối những lập trường có tính ý thức hệ và việc bảo vệ những ích lợi riêng tư. Trong thông điệp, Đức Thánh Cha làm gương. Ngài chỉ tìm cách cổ võ đối thoại. Ngài cũng thực hiện nó, chẳng hạn khi ngài để cho các dữ kiện khoa học chất vấn niềm tin Kitô giáo.
Linh đạo về môi sinh
Trong chương cuối cùng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra kiểu thay đổi mà nhân loại cần đến để đối diện với thách đố hiện giờ. Trước tiên, ngài mời gọi « đặt cuộc vào một nếp sống khác » trong một thế giới mà « thị trường có khuynh hướng tạo nên một cơ chế tiêu thụ cưỡng buộc để bán các sản phẩm của mình » (số 203). Điều này đòi hỏi vượt quá chủ nghĩa cá nhân (số 208).
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thách đố giáo dục vốn không phải chỉ tạo nên một « tư cách công dân môi sinh », nhưng còn phải vun trồng « những nhân đức vững chắc », điều kiện của « sự trao hiến bản thân trong một sự dấn thân môi sinh » (số 211). Việc giáo dục về môi sinh này thậm chí có thể là một con đường dẫn tới Thiên Chúa khi chúng ta sẵn sàng « làm bước nhảy vọt này hướng đến Mầu Nhiệm, mà từ đó một nền đạo đức môi sinh đòi hỏi ý thức sâu xa nhất của nó » (số 210).
Không có bất kỳ cử chỉ nào có thể được coi là không đáng kể. Mọi nỗ lực – « tránh việc sử dụng chất dẻo và giấy, giảm thiểu tiêu thụ nước, phân chia rác thải, chỉ nấu ăn những gì chúng ta sẽ có thể ăn cách vừa phải, đối xử cách quan tâm đến các sinh vật khác, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hay chia sẻ cùng chuyến xe với nhiều người, trồng cây, tắt những điện dùng không cần thiết » (số 211) – có thể đóng góp vào việc thay đổi thế giới và đồng thời cho phép sự thiện lan rộng trong xã hội (số 212).
Thông điệp kết thúc bằng « một vài dòng về linh đạo môi sinh », được rút ra từ Tin Mừng và kinh nghiệm Kitô giáo, và có thể nuôi dưỡng sự dân thân của người Kitô hữu : « Quả thế, sẽ là bất khả dấn thân trong những sự lớn lao chỉ bằng những học thuyết, mà không có một huyền nhiệm đánh động chúng ta » (số 216). Đức Thánh Cha mời gọi đi theo con đường hoán cải vốn phải dẫn đến một sự canh tân các mối tương quan của chúng ta với thế giới xung quanh, với tha nhân và với Thiên Chúa.
Ngài đề nghị thực hiện con đường này cùng với thánh Phanxicô Assidi, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, thánh Bônaventura, thánh Gioan Thánh Giá, các thánh mà cho chúng ta thấy ý nghĩa sâu xa nhất của một nền môi sinh toàn diện : « Một nền môi sinh toàn diện ngụ ý dành một ít thời gian để tìm lại sự hài hòa thanh thản với thiên nhiên, suy nghĩ về nếp sống và những lý tưởng của chúng ta, chiêm ngắm Đấng Tạo Hóa đang sống giữa chúng ta và nơi những gì xung quanh chúng ta, mà sự hiện diện của Ngài ‘không phải được chế tạo, nhưng được khám phá, được mạc khải (EG, số 71) » (số 225). Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trích dẫn, ở phần chú thích, một nhà thần bí khổ hạnh Hồi giáo (số 233).
Cũng ghi nhận phần kết thúc của thông điệp, với hai kinh nguyện : « Một lời kinh nguyện cầu cho trái đất chúng ta » được đề nghị chung cho tất cả những ai tin vào « một Thiên Chúa Tạo Hóa Toàn Năng » và một « kinh nguyện Kitô giáo với công trình tạo dựng », để « chúng ta biết đảm nhận những dấn thân mà Tin Mừng của Chúa Giêsu đề nghị cho chúng ta, vì công trình tạo dựng » (số 246).
Tý Linh chuyển ngữ theo Dominique Greiner, la Croix.