Thực hiện: Joseph Đặng Chiến - Chiendang@gmail.com

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Ngày 25/01: Thánh Phaolô tông đồ trở lại



Thánh Phaolô tông đồ, vị tông đồ cột trụ của Giáo hội sơ khai và vẫn còn là tông đồ nòng cốt của Giáo hội cho đến cùng. Tuy nhiên, Ngài là vị tông đồ không thuộc nhóm mười hai. Trái lại, Ngài còn có một quá khứ bách hại đạo Chúa nữa. Bởi đó càng nhớ ơn Ngài bao nhiêu, chúng ta càng thấy biến cố xoay đổi vị tông đồ cả quan trọng bấy nhiêu. Trước khi nghe chính Ngài kể lại cuộc trở lại của mình. Chúng ta tìm hiểu vắn tắt quá khứ chống đạo của Ngài.

Phaolô có tên Do thái là Saulê, sinh ra tại Tarsô (Cv 22,3) cha mẹ gốc Do thái thuộc chi họ Benjamin (Rm 11,1; Ph 3,5). Bởi đó Ngài nói được cả hai thứ tiếng Hy lạp và Aram (Cv 21,40.26,14) Ngài lên Giêrusalem theo đuổi việc học hành với thầy Gamaliel (Cv 22,3) và trở thành người biệt phái nghiêm nhặt (Cv 23,6. Lc 15,9. Gl 1,13. Ph 3,5). Do đó khi thấy một nhóm tôn giáo mới xuất hiện, Saulê đã nhiệt thành tìm cách ngăn chặn. Nhiệt tâm ấy đã dẫn tới việc đổ máu Stêphanô, trong ấy Saulê không chỉ chứng kiến mà dường như giữ phần chủ chốt (Cv 1,58). Nhiệt tâm còn thúc đẩy Ngài đi xa hơn nữa trên đường đi Damas tìm bắt người công giáo và trên con đường này Ngài đã được cải hóa. Câu chuyện được Luca kể lại trong sách Công vụ 9,1-23 hoặc chính vị tông đồ cũng đã kể lại, để biện minh trước mặt người Do thái (Cv 22,1-21) hay trước mặt Festô và Agrippa (Cv 26,1-23). Chúng ta hãy nghe chính vị tông đồ nói về cuộc trở lại của mình:
- “Tôi là người Do thái, sinh tại Tarsô, xứ Cilieia, đã được nuôi nấng trong thành này (tức Giêrusalem) đã thụ giáo dưới chân Gamaliel, rập theo khuôn phép nhiệm nhặt của lề luật cha ông, nhiệt tâm thờ phượng Thiên Chúa cũng như các ông hết ngày hôm nay. Tôi đã bắt bớ đạo này, đến chết chóc cũng không từ, xiềng xích đã được các thượng tế cho cầm trát để thông tri cho đồng bào mà lên đường đi Damas, để bắt trói những người Kitô hữu ở đó và giải về Giêrusalem để trừng trị.

Số là dọc đường khi tới gần Damas, thì vào lối giữa trưa thình lình tự trời, một ánh sáng chói lòa lóe rạng bao phủ lấy tôi, tôi ngã xuống nền đất, và nghe có tiếng nói với tôi:
- Saulê, Saulê tại sao ngươi bắt bớ ta?

Tôi đáp:
- Thưa Ngài, Ngài là ai?

Và Ngài nói cùng tôi:
- Ta là Giêsu Nazareth, ngươi đang bắt bớ.

Những người đi với tôi có thấy ánh sáng, nhưng họ không nghe tiếng người nói với tôi.

Tôi nói:
- Lạy Chúa tôi phải làm gì?

Và Chúa nói cùng tôi:
- Chỗi dậy mà vào Damas. Ơ đó sẽ nói cho ngươi mọi điều đã định cho ngươi làm. Bởi tôi không còn thấy được, lòa vì ánh sáng của sự sáng kia, nên tôi đã được các người đi với tôi dắt tay vào Damas.

Có Ananis, một người đạo đức chiếu theo lề luật. Và được chứng nhận nơi mọi người Do thái sở tại, ông đến gặp tôi và đứng bên tôi, ông nói:
- Anh Saulê, anh được thấy lại.

Và ngay giờ ấy tôi đã được thấy lại.

Ông lại nói:
- Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã tiền định cho anh được biết thánh ý Ngài, được thấy đấng công chính và nghe tiếng phát xuất tự miệng Ngài, vì anh sẽ là chứng tá cho Ngài trước mặt mọi người về điều anh đã thấy đã nghe. Và bây giờ sao còn lần lựa? Hãy chỗi dậy chịu thanh tẩy và chịu rửa mình cho sạch các tội của anh, miệng kêu khấn danh Ngài.

Xẩy ra là khi tôi về Giêrusalem, và cầu nguyện trong đền thờ, tôi đã được ngất trí, và được thấy Ngài phán bảo tôi:
- Hãy mau ra khỏi Giêrusalem, vì chúng sẽ không đón nhận chứng của người về ta.

Tôi mới nói:
- Lạy Chúa, họ biết lắm: chính tôi đã bỏ tù và đánh đòn khắp các hội đường những kẻ tin vào Chúa, và khi người ta đổ máu Stephanô, chứng tá của Người, thì chính tôi đã có mặt và tán đồng, cùng canh giữ áo choàng cho những kẻ giết anh ấy.

Nhưng Ngài phán bảo:
- Hãy đi, vì Ta sai ngươi đi xa, đến với dân ngoại (Cv 22-23)

Những tường thuật này cho thấy kinh nghiệm trên đường Damas không chỉ nơi cuộc trở lại của Phaolô mà còn ấn định những tư chất cá nhân trong đức tin và Tin Mừng của vị tông đồ. Tất cả đều tập chú vào Chúa Giêsu là đấng đã sống lại mà vẫn sống trong Giáo hội Người. Kinh nghiệm Damas còn bao hàm sứ mệnh trao cho Phaolô rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, một sứ mệnh thiết định tính cách phổ quát của Tin Mừng mà có lẽ Phaolô chưa nhận thấy ngay. Ngoài ra cuộc trở lại của Phaolô còn cho thấy ngay. Ngoài ra cuộc trở lại của Phaolô còn cho thấy quan niệm về sự kêu gọi và sự chọn lựa do Thiên Chúa thực hiện.