Thực hiện: Joseph Đặng Chiến - Chiendang@gmail.com

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Giới thiệu và tóm tắt Thông điệp “Lumen Fidei”


-

Như các phương tiện truyền thống đã nói, Thông điệp mang nhiều dấu ấn của Đức Bênêđictô XVI. Chẳng hạn, trong Thông điệp có nhiều tham chiếu lịch sử, bao gồm lịch sử Kitô giáo sơ thời, lịch sử Do Thái, lịch sử dân ngoại. Cũng có nhiều tham chiếu tư tưởng của các nhân vật lịch sử như Giáo phụ Giustinô Tử Đạo và Thánh Irênê, tư tưởng của các nhân vật trí thức gần đây như nhà tư tưởng Công giáo Romano Guardini, triết gia Do Thái Martin Buber, triết gia thuyết bất khả tri Ludwig Wittgenstein, và triết gia vô thần Friedrich Nietzsche.

Phần mở đầu giới thiệu ý tưởng “Ánh sáng đức tin” (Tiếng Latinh là “Lumen fidei”) và vai trò của nó trong đời sống chúng ta. Thông điệp bàn về sự không thỏa đáng của đức tin tiền Kitô giáo, đức tin của dân ngoại và sự hờ hững với đức tin trong thời đại chúng ta. Nó cũng nhấn mạnh đến nhu cầu tái khám phá vai trò mà ánh sáng của đức tin Kitô giáo có thể và phải đảm nhận trong đời sống và xã hội của chúng ta.

Ngay từ đầu, Thông điệp đã nói: “thế giới ngoại giáo đói khát ánh sáng, đã dần dà thờ cúng thần mặt trời, Sol Invictus (mặt trời bất khả thắng), được cầu khẩn mỗi ngày vào lúc mặt trời lên. Song dù cho mặt trời tái sinh mỗi ngày vào mỗi buổi sáng, rõ ràng nó không thể chiếu sáng mọi hiện hữu của con người. Mặt trời không chiếu soi mọi thực tại; không thể thâm nhập vào bóng tối sự chết, vào nơi mà cặp mắt của con người nhắm lại trước ánh sáng của nó. Thánh Giustinô Tử Đạo đã viết: “Không ai sẵn sàng chết vì tin vào mặt trời”” [LF 1].

Vậy thì có đoạn nào mang dấu ấn của Đức Phanxicô không? Thật khó đoán. Đức Phanxicô nổi tiếng về kiểu nói của ngài và tiếng nói của ngài trong Thông điệp này cần phải có thời gian để lộ diện. Nhưng điều đặc biệt của Đức Phanxicô là cách ngài ký thông điệp. Thường thì các đức giáo hoàng viết tên mình bằng tiếng Latinh, tiếp theo là chữ “PP” (viết tắt từ “pope” – giáo hoàng), và rồi đến con số. Chẳng hạn Đức Bênêđictô ký Thông điệp “Spe Salvi” là “Benedictus PP XVI.”

Đức Phanxicô là người đầu tiên lấy danh hiệu Phanxicô nên không có con số. Tuy nhiên, ngài là người thích dùng chức danh “Giám mục Roma” hơn là “Giáo hoàng”, cho nên ngài bỏ chữ “PP” trong chữ ký và đơn giản chỉ ký là “Franciscus.”

Những nét đại cương của Thông điệp

Thông điệp gồm bốn chương:

Chương I – Chúng tôi tin vào Tình Yêu (cf. 1 Ga 4,16)

Chương II – Nếu không tin, bạn sẽ không hiểu (cf. Is 7,9)

Chương III – Tôi trao cho bạn điều tôi đã nhận được (cf. 1 Cr 15,3)

Chương IV – Thiên Chúa chuẩn bị một thành cho họ (cf. Dt 11,16)



Tóm tắt

Chương I

Chương I duyệt lại Lịch sử cứu độ – câu chuyện của Dân Thiên Chúa – tìm thấy đức tin qua dòng lịch sử. Câu chuyện bắt đầu với Abraham, người mà Thánh Phaolô hay trích dẫn và nêu gương trong Tân Ước. Lưu ý rằng Thiên Chúa nói và hành động với Abraham như một người thân chứ không phải như một Thiên Chúa xa lạ. Tin vào Thiên Chúa là mời gọi chúng ta bước tới – cùng đi với Ngài, giống như Abraham. Trong hành trình này, mối tương giao của chúng ta với Chúa không chỉ là chúng ta tin Ngài mà còn là Ngài tin chúng ta! Chúng ta có thể phá hủy mối tương giao này khi thờ ngẫu tượng. Câu chuyện của Israel là cơn cám dỗ thờ cúng ngẫu tượng – tôn thờ thần thánh do tay chúng ta làm ra. Cuối cùng, câu chuyện đức tin được tóm kết trong Đức Giêsu. Ngài là sự hiện thực tất cả những lời hứa của Thiên Chúa đồng thời cũng trình bày lý do tại sao chúng ta tin vào Ngài: Ngài đã chết vì chúng ta! Thiên Chúa không phải là thực tại gì đó quá xa vời; Ngài là Đấng hành động ở đây và ngay bây giờ.

Chương II

Chương II nói về mối tương quan giữa đức tin và những khía cạnh khác như: lý trí, tình yêu, chân lý và thần học. Thông điệp “Lumen Fidei” cho thấy rằng chân lý thật cần thiết cho đức tin đến độ có thể làm nền tảng cho đức tin. Đức tin bén rễ trong thực tại khi nó bén rễ trong chân lý. Tương tự như vậy, tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa cũng phải có chân lý này, nếu không nó chỉ là xúc cảm. Tình yêu cần có đức tin để chân lý không trở thành lạnh lùng, vô cảm.

Nền văn hóa của chúng ta tin rằng chân lý có ý nghĩa cho mọi người do tính độc đoán của nó. Nhưng chân lý dành cho mọi người là chân lý biểu lộ công ích cho mọi người, và khi được thực thi với tình yêu thì chân lý được cá thể hóa đối với mỗi cá nhân.

Cuối cùng, chân lý trong đức tin Công giáo sở hữu chúng ta; chúng ta không sở hữu chân lý. Khi được chân lý nắm bắt, chúng ta càng tăng trưởng trong sự khiêm tốn và tri thức đức tin. Khi được đầy tràn tri thức và khiêm tốn, chúng ta càng có thể chia sẻ chân lý này với người khác.

Chương III

Cuối cùng, đức tin và chân lý được lãnh nhận trong cộng đoàn. Bản chất của sự sống buộc chúng ta tin vào sự thật mà người khác đem lại cho chúng ta. Đức tin Kitô giáo của chúng ta cũng vậy, cũng được lưu truyền thừ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng ta chấp nhận đức tin này trong cộng đoàn và trong sự hiệp thông với Giáo Hội.

Cách đặc biệt, các bí tích cho phép chúng ta kinh nghiệm được đức tin này. Chúng ta được chào đón vào trong cộng đoàn qua bí tích Rửa Tội và gặp gỡ tình yêu cũng như ân sủng của Chúa Giêsu nhờ bí tích Thánh Thể. Trong Thánh Thể, ta kinh nghiệm được những ân sủng đã qua mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong khi nhìn thấy ân sủng tương lai trong ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta. Thêm vào các bí tích, Kinh Lạy Cha và Mười Điều Răn cho chúng ta một nhãn quan mới cũng như một con đường sống mới khi luôn sống liên kết trong cộng đoàn. Cộng đoàn này luôn được kết hiệp qua truyền thống tông đồ và sự kế nhiệm tông truyền giữ gìn chân lý đồng thời chuyển giao đức tin. Các tín hữu phải tin tất cả nhưng gì Giáo Hội dạy nếu không sẽ gây nguy hiểm cho sự thống nhất.

Chương IV

Trong chương cuối cùng, Thông điệp “Lumen Fidei” cho thấy đức tin sẽ là nền tảng cho xã hội chúng ta như thế nào. Đức tin cần làm nền tảng cho xã hội, hôn nhân và gia đình của chúng ta. Trong hôn nhân, người nam và người nữ tin vào công ích và một niềm hy vọng vượt quá chính mình. Trong đức tin và tình yêu này, họ tạo thành một gương mẫu đức tin và trở thành một nơi chốn nuôi dưỡng đức tin khi con cái đặt niềm tin cậy vào cha mẹ mình.

Nền tảng gia đình này cũng giúp chúng ta hình thành những mối tương quan khác. Con người không thể có tình huynh đệ thật sự khi không có người cha chung. Niềm tin vào Thiên Chúa tạo thành một đức tin chung để xã hội chúng ta có thể tồn tại. Đức tin này cũng đem lại phẩm giá con người mà xã hội chúng ta đang cần.

Đức tin cũng đem lại sức mạnh để chịu đựng. Đức tin không trả lời mọi vấn nạn nhưng dọi chiếu như một ngọn đèn giúp chúng ta băng qua bóng tối, đồng thời đức tin cũng đem lại sự hiện diện của chính Thiên Chúa khi chúng ta gặp đau khổ.

Cuối cùng, đức tin đem lại cho chúng ta niềm vui. Như Đức Maria vui nhận Chúa Giêsu, chúng ta cũng nên noi gương Mẹ. Dấu hiệu của đời sống đức tin nơi chúng ta sẽ là niềm vui trong Chúa Giêsu.

(Tài liệu tổng hợp)

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính 

Nguồn tin: Gpquinhon.org