Thực hiện: Joseph Đặng Chiến - Chiendang@gmail.com

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Nguồn gốc giáo xứ Hoà Hưng

Vào những năm từ 1940-1943, có một số người từ miền bắc vào miền nam sinh sống, thì có một nhóm người đến định cư ở hẻm 19 đường Verdun (nay là hẻm 521 đường CMT8, Q.10). Con hẻm này nằm song song với đường Tô Hiến Thành, cách đường Tô Hiến Thành độ 150m (đường Tô Hiến Thành lúc đó là đường Milice).
Những người này hầu hết làm nghề xây dựng, họ là thợ hồ, thợ sắt, thợ cốt pha và lao động tổng quát, họ ở đây là gần nơi họ làm, vì khi ấy công trình khám Chí Hoà và công trình trường tiểu học Chí Hoà đang xây dựng.

Trong nhóm người này, có khoảng trên dưới 40 gia đình là người công giáo. Những người công giáo này, nằm ở giữa các nhà thờ: Chí Hoà, Huyện Sĩ và Tân Định, khi ấy chưa có nhà thờ Chúa Cứu Thế, chỉ có Dòng Chúa Cứu Thế mà thôi. Dòng Chúa Cứu Thế rất hạn chế giáo dân vào xem lễ, nhưng dậy giáo lý cho trẻ em giáo lý và xưng tội rước lễ lần đầu. vì vậy những giáo dân này phải đi lễ ở nhà thờ Chí Hoà, cũng khá xa vì toàn đi bộ, những người khá một chút thì đi xe “thổ mộ” (xe ngựa) trong nhóm người này chưa có ai được chiếc xe đạp.
Từ chỗ ở của những giáo dân này đến nhà thờ Chí Hoà khoảng 2 km, đây là giáp ranh giữa Đô Thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định, dân cư thưa thớt. Vào mùa mưa, sáng đi lễ phải qua nghĩa địa Đô Thành, nổi tiếng là nhiều ma (nay là công viên Lê Thị Riêng) và con đường từ đường Verdun vào nhà thờ Chí Hoà là đường đất lầy lội.
Trong một thời gian dài như vậy. Những giáo dân này bàn với nhau là xin cha làm cho nơi họ ở một cái nhà thờ nhỏ, và họ đã cử ông Ngôn làm đại diện đến nhà thờ Chí Hoà gặp cha Thiên để trình lên nguyện vọng của họ. may mắn là được cha Thiên đồng ý, bảo về ghi tên các gia đình có đạo đưa cho cha.
Hơn hai tháng sau, cha Thiên về Hoà Hưng tìm chỗ để cất nhà thờ. Sau nhiều lần đi lại cha đã chọn được chỗ là nơi nhà thờ Hoà Hưng hiện nay. Nơi này khi ấy là nhà của bà Ơn, hai gian nhà lá, có chái hai bên, xung quanh nhà đất rất rộng. Khi cha đến hỏi mua nhà để có chỗ làm nhà thờ thì bà bằng lòng ngay và rất mừng vì bà là gia đình có đạo. Sau đó cha mua thêm một cái nhà nữa, nhà của bà người Hoa bán “tạp khô” (muối, nước mắm, nước tương, hành, tỏi, bánh kẹo …)
Cha cho sửa cái nhà của bà Ơn lại, tạm làm nhà nguyện và một tháng cha mới về làm lễ một lần.
Khoảng 5 tháng sau, cha cho phá nhà này ra và dựng lên đây một nhà thờ nhỏ, song song nhà thờ cha làm 4 gian nhà lá, vây lại 1 gian để làm chỗ ở, 3 gian còn lại làm trường học và dậy giáo lý. Và 4 thầy dòng về ở, chừng 4 tháng sau các thày này đi, và các dì phước về và cha Truyền về. Cha làm nhà cha sở.
Đào móng, xây cột, vách 3 gian nhà, cột xây rất to, cột và vách đều cao 2,30 , gác đà lên đầu cột, bỏ rầm qua và đóng ván sàn, trên sàn ván này, dựng lên 1 cái nhà cột gỗ, vách ván, 3 gian ở dưới, 1 làm nhà để xe, 1 để 1 bàn bóng bàn, phía sau làm nhà kho, gian giữa làm nơi sinh hoạt và làm các thứ lặt vặt, mùa chay thì thắt lá …
Từ ngày cha Truyền về, nhà thờ ngày nào cũng có lễ, các giáo dân từ thành Pháo Thủ trở lại đều đi lễ nhà thờ Hoà Hưng (trại quân đội sau câu lạc bộ Lan Anh). Nhà thờ lúc này đã có nhiều giáo dân, cha Truyền về có đem theo một người con nuôi, tên là Rạng, khi ấy được 16 tuổi, chúng tôi gọi là ông Từ.
Anh Rạng, lo việc nhà cha, dọn dẹp cung thánh , giật chuông, thắp nến bàn thờ, dọn lễ mồ và các lặt vặt khác.
Dì Ta Rê, lo việc áo lễ cha, áo giúp lễ, khăn bàn thờ, trang trí cung thánh.
Dì Ba, đánh đàn, dậy đồng nhi hát.
Bà Đội Lễ, hướng dẫn kinh (chồng bà cấp bậc trung sĩ trong thành kèn đường Milice  (THT) trung sĩ khi ấy gọi là ông đội)
Giúp lễ, anh Trí, Huệ (con bà Đội Lễ)
Các ông Biện:
Ông Biện Ngôn, ở hẻm 19 đường Verdun. Người đã đại diện các giáo dân đến gặp cha Thiên để xin cha làm một nhà thờ ở Hoà Hưng.
Ông trùm Nguyện, nhà ở bên hông nhà thờ, khi ở miền bắc ông đã làm ông trùm (ở họ đạo) vào miền nam, mọi người đều gọi là ông Trùm.
Ông Biện Vinh, ở hẻm vào chùa Bửu Đa hiện nay.
Ông Biện Kim (ông Huỳnh Kim Nên) ở đường khám lớn (đường Hoà Hưng hiện nay).
Ông Biện Ách, ở thành Pháo Thủ (trại quân đội sau câu lạc bộ Lan Anh), ông này cấp bậc thượng sĩ, lúc ấy gọi là ông Ách.
Ông Biện Giacôbê, ở hẻm gần rạp hát Thanh Vân.
Bà Ba Chích là trưởng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo.
Ban động nhi hát cũng là đoàn Con Đức Mẹ.
Anh Tiền là trưởng đoàn con Thánh Giuse.
Cha kêu gọi giáo dân góp tiền mua cái nghĩa địa, khi chết được chôn ở đây không phải mất tiền mua chỗ nằm nữa.
Cha Thiên mua đất  và xây nhà thờ Hoà Hưng.
Cha Truyền là cha sở đầu tiên của giáo xứ Hoà Hưng.
Lần đầu tiên nhà thờ Hoà Hưng được đón Đức Cha Hiền về làm phép thêm sức cho thiếu nhi. Hôm ấy, giáo dân đi lễ rất đông, quần áo rất đẹp, nhà thờ trang trí cờ và băng rôn chào mừng Đức Cha . bên kia đường Tô Hiến Thành, đối diện nhà thờ, khi ấy là bãi đất trống, giáo dân dựng lên đây một cây “niêu” rất cao để chào mừng Đức Cha.
Lần thứ hai nhà thờ Hoà Hưng được đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh. Ba ngày trước khi Đức Khâm Sứ về. Cha Truyền viết một bức thơ đưa cho ông Trùm Nguyên bảo cầm đến chùa Khánh Hưng đưa cho ông Sư trưởng, mời ông ba ngày nữa, sáng sớm đến nhà thờ Hoà Hưng để cùng với cha đi đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh. Ông sư trưởng đồng ý và hỏi là ngày ấy, ông có được mặc áo cà sa và che lọng không? Cha Truyền trả lời là “được”.
Ngày Đức Khâm Sứ về, ông sư trưởng và mấy người nữa đến nhà thờ Hoà Hưng từ sáng sớm và sau đó cùng với cha Truyền đi đón Đức Khâm Sứ. Mọi người đều ngạc nhiên và thích thú về việc làm của cha Truyền.
Bão năm Thìn (1952), trường học bằng lá của nhà thờ bị sập 2 gian, may là gian các Dì ở không sao.
Cha Truyền cho phá nhà thờ nhỏ ra và thay vào đó là một nhà thờ khác lớn hơn và đẹp hơn.
Trên đây là diễn tiến từ trước khi có nhà thờ Hoà Hưng đến năm 1953. Tiếc là tôi không nhớ được những mốc thời gian đáng nhớ, như ngày cha Thiên khởi công xây nhà thờ, ngày Đức Cha Hiền về nhà thờ Hoà Hưng, ngày Đức Khâm Sứ về nhà thờ, ngày cha Truyền cho làm lại nhà thờ Hoà Hưng. Mong được quý vị nào biết nhiều hơn, nhớ dai hơn vui lòng bổ xung cho.

    Ngày 25 tháng 9 năm 2011
VNQ
Giáo dân Hoà Hưng


   Họ Hoà Hưng nguyên thủy là họ lẻ của Gx. Chí Hoà, được cha Giuse Phạm Văn Thiên (sau này là Giám mục Phú Cường) thành lập vào năm 1946 với khoảng 50 gia đình và 300 giáo dân cùng một nhà nguyện nhỏ thô sơ (thế hệ I) trên đường Milice Q.3, nay là 104 Tô Hiến Thành P.15 Q.10 TP.HCM.
- Năm 1949, nhà thờ được cha Giuse Thiên cất bằng vật liệu nhẹ (II), bên cạnh có trường Mẫu giáo.
-  Năm 1951-1952 trở thành họ nhánh của họ Chợ Đũi.
- Ngày 24.08.1952 Hoà Hưng trở thành Giáo Xứ với Cha Sở đầu tiên là cha Phaolô Nguyễn Văn Truyền.
- Nhà thờ kiên cố được xây năm 1952-1953 do cha Phaolô Truyền (III), hệ thống khu xóm được hình thành, mở nghĩa trang ở đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt).
- Tháng 7/1963 cha Bênađô Phạm Văn Quy được cử làm Chánh Xứ Hoà Hưng : quan tâm đến giáo dục (xây trường Trung Tiểu Học Thánh Tâm), học hỏi Lời Chúa, mua nghĩa trang ở Bình Hưng Hoà.
- Ngày 6/3/1984 cha Giuse Phạm Bá Lãm lên chức Chánh Xứ : ổn định Giáo Xứ, củng cố và phát triển các đoàn thể, mở rộng khuôn viên, xây dựng các công trình.
- Thánh đường rộng lớn được xây dựng 1990-1992 (IV), do cha Giuse Lãm, được ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình khánh thành và được ĐGM Emmanuel Lê Phong Thuận cung hiến ngày 13/5/1992.
- Hoà Hưng nhận Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa làm Bổn Mạng : mừng vào ngày 1/1, chầu lượt vào Chúa Nhật III Thường niên (trước Tết khoảng 2 tuần).   
   Với Gx. Chí Hoà, Hoà Hưng là con đầu lòng, nhưng với các Gx. khác, Hoà Hưng là mẹ của Gx. An Phú (1962), Gx. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (1963), Gx. Tống Viết Bường (1995)…HH. từ 300 giáo hữu “sơ khai” nay lên gần 9.000 giáo dân, không phải là toàn tòng mà là một Gx. đa phương, gồm giáo dân địa phương, giáo dân nhập cư thập niên 1940, nhập cư 1954 (chiếm đa số), nhập cư 1975 và giáo dân từ miền Trung vào. Tất cả đều sống hoà đồng với nhau : kinh đọc và tập tục đều theo địa phương (có cải tiến cho phù hợp). 
    Gx. Hoà Hưng nằm trên trục CMT8 và Tô Hiến Thành : phía đông giáp đường sắt Hoà Hưng, phía tây giáp đường Sư Vạn Hạnh, phía nam giáp đường 3/2, phía bắc giáp công viên Lê Thị Riêng. Gx. Hoà Hưng nằm trong Phường 12-13-15/Q.10 và Phường 10-11/Q.3, gồm có 11 khu nằm trong 4 khối (khối 1: các khu Tôma, Giacôbê, Anrê; khối 2 : Mátthêu và Gioan, khối 3 : Philipphê, Vinh Sơn, Micae, khối 4 : Phaolô, Phêrô, Simon) và 1 họ lẻ : Họ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (kế cận Câu Lạc Bộ Lan Anh).
   Các linh mục chính xứ (3) : cha Phaolô Nguyễn Văn Truyền (1952-1963), cha Bênađô Phạm Văn Quy (1963-1984), cha Giuse Phạm Bá Lãm (1984 - đến nay).
   Các linh mục phụ tá (10) : cha G.B. Trần Văn Cừ (1960-1961), cha Phêrô Nguyễn Văn Hai (1962-1967), cha Antôn Phan Lâm (1967-1972), cha Giuse Phạm Bá Lãm (1972-1984), cha G.B. Nguyễn Xuân Đức (1973-1983), cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền (1985-1987), cha G.B. Trần Văn Kim (phụ trách họ lẻ Tống Viết Bường 1985-1995), cha Gioan Maria Vianney Chu Minh Tân (1992-1999), cha Đa Minh Hà Duy Dũng (1999-2005), cha Giuse Huỳnh Thanh Phương (2005- đến nay).  
   Xuất thân từ Hoà Hưng có 25 Linh mục, 20 Tu sĩ nam nữ, độc đáo là có đến 4 cặp anh em làm Linh mục (cha Trần Văn Thụy và cha Trần Mạnh Hùng; cha Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Văn Tâm; cha Trịnh Tuấn Hoàng và cha Trịnh Quốc Thái; cha Trần Quang Trí và cha Trần Quang Tuệ), phải kể thêm Đan Viện Phụ Ephrem Trịnh Văn Đức (Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Đơn Dương). Năm thánh có thêm Tân LM. G.B. Lê Quốc Kiệt thụ phong 19/12/2009, thày Nguyễn Khánh Hà thuộc Dòng Đồng Công, chịu chức Phó tế 10/5… Ngoài ra còn khoảng 10 dự tu do cha Phụ tá hướng dẫn.
      Các dòng tu tại Hoà Hưng :  CĐ. Đức Mẹ Người Nghèo, CĐ. MTG Gò Vấp (3 trợ úy TNTT, 2 lo Phòng Áo, 10 thừa tác viên cho Rước Lễ), CĐ. MTG Phan Thiết, CĐ. Con Đức Mẹ Phù Hộ (3 chị điều hành Lưu Xá Sinh Viên), Tu Hội Ánh Sáng Phúc Âm, Chi Dòng Máu Châu Báu Chúa Kitô…  
   Gx. HH tổ chức theo hàng dọc có HĐMVGX/HH với 44 thành viên (có Ban Thường Vụ : Chủ Tịch, 2 Phó CT, Thư ký, Thủ Quỹ), 1 họ lẻ, 11 khu và các xóm. Mỗi khu có Ban Chấp hành với 3 thành viên (1 Trưởng, 1 Phó và 1 Thư ký kiêm Thủ quỹ). Theo hàng ngang có các đoàn thể và ban ngành.
     Các Hội Đoàn gần như đầy đủ : Thiếu Nhi Thánh Thể (1.000 em với 90 huynh trưởng), Các Mẹ Công Giáo (190 hội viên), Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm (150), Legio Mariae (100, có đến 7 Praesidia), Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh (75), Con Đức Mẹ (35), Thánh Sinh Công (16), Giới trẻ HH gồm các hạt nhân là các đoàn thể trẻ, vẫn duy trì được Lễ Giới Trẻ vào tối thứ bảy. Các Ca đoàn thật phong phú với 10 đơn vị (CĐ HH, CĐ khối 1-2, CĐ khối 3, CĐ khối 4, CĐ Thánh Tâm, CĐ CBM, CĐ Con ĐM, CĐ Legio, CĐ TNTT, CĐ Cộng Đồng. Độc đáo nhất vẫn là CĐ Cộng Đồng gồm quý ông bà lớn tuổi (nên được gọi là CĐ Yamaha) hát thường xuyên các lễ buổi sáng, các lễ an táng, các lễ tại gia…
   Ban Thăm Viếng và Tổ ve chai hoạt động hiệu quả trong việc phục vụ bệnh nhân và người nghèo, nhất là dịp Giáng Sinh, Tết và lễ Hiện Xuống. Công tác bác ái được đẩy mạnh : Gx. và Các Bà Mẹ  bảo trợ cho buôn làng Long Zol thuộc Gp. Kontum (cất nhà nguyện, tặng thiết bị máy móc, cứu trợ và tặng quà các dịp lễ…). HH có một kho chứa quần áo cũ do Các Bà Mẹ quản lý,
   Xét về hoạt động thì Thiếu Nhi Thánh HH nổi bật nhất : đoàn ngũ hoá từ năm 1994, sinh hoạt sáng Chúa nhật và chiều thứ năm: thánh lễ, học Giáo lý, vui chơi tập thể…Những dịp lễ lớn được tổ chức với nhiều tiết mục hấp dẫn, lôi cuốn rất đông người đến dự. Đừng quên : tiền thân của TNTT/HH là Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí HH. vang bóng một thời, đã sinh sản 4 Linh mục : cha Đinh Trung Nghĩa thuộc Dòng Tên, cha Nguyễn Văn Hiền, cha Nguyễn Văn Tâm, cha Trần Mạnh Hùng. 
   Xét về truyền thống thì Các Bà Mẹ có bề dày lịch sử. Năm 1958 sau khi đi Pháp về, cha Phaolô Truyền đã khai sinh Hội Các Bà Mẹ với Nội quy và giới thiệu đến các Gx. khác. Ngài là Tuyên Úy đầu tiên của Các Bà Mẹ Sàigòn, sau này mới trao lại cho cha Võ Văn Ánh. HH. xứng đáng là cái nôi của Các Bà Mẹ Sàigòn và là cánh chim đầu đàn của hạt Phú Thọ. 
        Từ một họ lẻ bé nhỏ, HH cố vươn mình lên thành một Gx. lớn để xứng đáng đứng đầu trong hạt Phú Thọ. Vì thế HH. phải nỗ lực phát triển cả chiều rộng lẫn chiều cao và cả chiều sâu nữa.
# Về chiều rộng : mua nhà đất dần dần với các đợt khác nhau, sở hữu 23 căn nhà với diện tích trên 1.000m2. Diện tích cũ nằm gọn trong Nhà thờ hiện nay và lối đi bên trái mà thôi. Nhờ khéo léo mua nhà liên tiếp, nên mới có đủ mặt bằng để xây Nhà Sinh Hoạt, Nhà Xứ và Lưu Xá Sinh Viên.
# Về chiều cao :
- Nhà thờ xây năm 1990-1992 : rộng 20m50 (hành lang 4m00 và 3m00), dài 35m00, cao 17m: dưới nhà chứa 750 người, trên lầu 450. Thỉnh thoảng được tôn tạo cho thêm đẹp. Cung thánh đủ chỗ để có thể dâng hoa, diễn nguyện, hoạt cảnh… Sạch sẽ, thoáng mát, âm thanh mạnh, có máy chiếu lên tường cung thánh những hình ảnh và bản văn. Có phòng hài cốt trên lầu 2 nhìn xuống cung thánh để giáo dân cầu nguyện hằng ngày.
- Nhà Sinh Hoạt xây năm 1996, diện tích mặt bằng 250m2 : trệt (có Hội quán), 4 lầu (2 Hội trường ở lầu 1 và 3) và sân thượng. Năm 2004 nâng cấp và thêm thang máy. Tính cách đa công năng như sau:  sinh hoạt, hội họp, học giáo lý, văn nghệ và tiệc tùng…
- Lưu xá Sinh viên xây năm 2001-2002, 300m2 : hầm, trệt, 4 lầu, sân thượng. Đây là niềm hãnh diện cho Gx.HH : đón tiếp 166 nữ sinh viên từ các tỉnh, do 3 Nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ hướng dẫn. Không những tiện nghi mà tổ chức thật chu đáo, hằng ngày : dự lễ, kinh tối; hằng tuần : giờ giáo lý và nhân bản; hằng tháng : thuyết trình một đề tài; dịp lễ : sinh hoạt văn nghệ, công tác bác ái từ thiện. Đúng là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng cầu nguyện.
- Nhà xứ nép mình bên Nhà Sinh Hoạt xây vào năm 2007-2008, diện tích 55m2 : hầm, trệt, 5 lầu. Ngoài phòng Cha Sở, Phòng khách, Phòng ăn, Phòng bếp, còn lại : các phòng cho các tu sinh, thêm phòng giáo lý cho Thiếu nhi (lầu 5).
# Về chiều sâu : Gx. HH kính trọng các linh hồn, nhất là các linh hồn có hài cốt gửi trên lầu 2 : hằng ngày cầu cho các linh hồn. Gx. HH đặc biệt tôn kính Đức Mẹ, cách riêng Đức Mẹ Fatima, hầu hết các công trình đều được khánh thành vào ngày 13/5 :
. Nhà thờ Hoà Hưng ngày 13/5/1992
. Nhà Sinh Hoạt          -     13/5/1996
. Lưu xá Sinh viên      -     13/5/2002
. Nhà Xứ                     -     13/5/2008
   Nhà thờ mở cửa suốt ngày để giáo dân có thể viếng Chúa. Đặc biệt từ 12g00 đến 4g30 chiều luôn có các đoàn hay nhóm thay nhau làm việc đạo đức : đọc kinh trưa, giờ Lòng Thương Xót Chúa, giờ kinh của HĐGD/ĐaMinh… Buổi tối các đoàn thể, ca đoàn sinh hoạt cho đến 9g45 tối làm cho bầu khí Nhà thờ thêm đầm ấm.
   Mỗi gia đình đều được biếu tặng một cuốn Tân Ước và sách Suy niệm Lời Chúa hằng ngày để đọc trong giờ kinh tối. Ngoài ra còn có Lịch Phụng Vụ của Hoà Hưng và tập Tài liệu học hỏi Năm Thánh (phần hỏi thưa) cũng được ra in ra và gửi đến từng gia đình.
   Nêu cao tinh thần yêu thương tôn trọng giữa mục tử và giáo dân, giữa giáo dân với nhau. Không bè phái, không tranh giành chức quyền… Không có ai ứng cử vào các chức vụ của HĐMV/GX hay Khu xóm, tất cả đều được tập thể đề cử đứng ra hy sinh mà phục vụ. Gx.HH cũng quan tâm đến tính bình đẳng và không phân biệt đối xử. Td. dịp lễ Bổn Mạng Giáo xứ : mọi người tham dự cùng chia sẻ khẩu phần giống như nhau, đông vui mà không hao ! Dịp lễ tang : các nghi lễ đều giống nhau, những người có công với Gx. chỉ hơn một điều là được nhiều đoàn thể và nhiều người đến dự lễ hơn. Lòng đạo đức và hiếu thảo được nhấn mạnh trong dịp này : cơ hội cho các thành viên tang quyến dọn mình xưng tội, xin lỗi Chúa, xin lỗi ông bà cha mẹ để rước lễ sốt sắng, hiệp thông với người ra đi.
   Gx.  Hoà Hưng cố gắng tạo bầu khí thân thiện : yêu thương và phục vụ, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm : người nghèo cần giúp đỡ, người lạc xa cần đưa về đoàn, đạo đức cần phải chấn hưng, cơ sở vật chất cần phải được bảo trì và tôn tạo, sống Hoà thuận mới Hưng thịnh.
Công trình chính nằm trong khuôn viên khá hẹp, gắn liền với nhiều khối nhà lớn, nhiều tầng phía đằng sau: văn phòng, nhà xứ, phòng học, lưu xá nữ sinh viên Hoà Hưng… Một sân nhỏ ở phía mặt tiền nối hai sân hình chữ nhật hai bên, bên trái là Đài Đức Mẹ.
Mặt chính nổi bật với những hình khối tam giác, các góc nhọn mạnh mẽ, những mảng tường đặc đan xen các lam bê-tông tạo nên một độ rỗng tương phản.
Phía dưới, các chân cột nhỏ, càng lên càng lớn dần tạo được sự linh hoạt cho đường nét kiến trúc. Mặt đứng có tổng thể hình dạng đầu hồi mái đưa ra phía trước, phần kết thúc mảng tường xiên theo độ dốc hai mái lớn phía sau: phần bên phải là tháp chuông rỗng gồm nhiều cột bê tông đứng đặt sát nhau, đi suốt từ chân tới đỉnh tháp, một vài đường nối ngang.
Mặt bên gồm hai tầng, dưới mỗi bên là dãy năm cửa lớn ra vào tạo nên một không gian hở. Tầng trên là dãy ban công chạy suốt, hàng cột chữ nhật ốp gạch đá màu mắm ruốc đi suốt từ nền lên đến sê-nô mái bên trên, băng ngang qua phần ban công, trên cùng là mái dốc ngói đổ về hai phía sê-nô thu nước. Công trình nhà thờ chính gần với dãy nhà sau bởi các hành lang. các ban công, cầu thang nối liền.
Mặt bằng chính thánh đường có hình chữ nhật lớn, kết hợp với tầng lửng bên trên chiếm gần 1/3 không gian nội thất. Nhịp cột đầu tiên là sảnh chính lớn, nối liền hai hành lang dọc hai bên. Năm nhịp kế tiếp là không gian dự lễ ở tầng trệt, mỗi bên năm cửa ra vào lớn, kết hợp với ba cửa vào phía trước tạo nên một không gian hở khi cộng đoàn sinh hoạt. Tầng lửng bên trên cũng là không gian dự lễ của cộng đoàn dân Chúa, nối liền với dãy ban công hai bên. Không gian nội thất được thể hiện bằng các đường thẳng góc, tường là những mảng chữ V sơn trắng trên nền kem. Trên cùng là hệ trần phẳng, hai bên nghiêng theo độ dốc mái, ở phần đỉnh trần, chính giữa là những mặt phẳng hình gấp khúc đi theo chiều dài thánh đường tạo nên sự linh hoạt, đa dạng cho không gian nội thất.
Phần sâu và cao là Cung thánh bên trái dành cho ca đoàn. Cung thánh nằm trong một hình chữ nhật lõm sâu vào bên trong, trần bên trên là mảng các ô vuông kính lấy sáng, ngay trung tâm là nơi đặt bàn thờ Chúa, trên là tượng Chúa, bên trái là tượng Đức Mẹ, bên phải là tượng Thánh Giuse. Phông nền của Cung thánh đều được sơn nước đơn sơ, thanh thoát, mảng giữa màu trắng, hai bên màu vàng kem, thuận tiện cho việc trưng hoa, tận dụng để chiếu chữ và hình (projection).
Giáo xứ Hoà Hưng tuy gốc miền Nam, nhưng là nơi đất lành chim đậu, với thời gian đón nhận anh em từ các miền, các giáo phận khác nhau. Tất cả sống hoà hợp với nhau giữa đại đa số những người ngoài Công giáo.
Bổn mạng của giáo xứ: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa mừng vào ngày 1/1 hằng năm.
Giáo xứ Hoà Hưng bao gồm Phường 12-13-15/Q.10 và Phường 10-11/Q.3, với số giáo dân trên 8.500.
Giáo xứ gồm có 11 Khu và 1 họ lẻ: Họ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (kế cận Câu Lạc Bộ Lan Anh), mừng Bổn Mạng vào ngày 15/8 hằng năm.
* Về ơn gọi: một số bạn thiện chí được cha Phụ tá hướng dẫn. Khá đông Linh mục, Tu sĩ xuất thân từ giáo xứ Hoà Hưng, có đến 5 cặp anh em làm Linh mục. Năm nay giáo xứ có thêm Tân Linh Mục G.B. Lê Quốc Kiệt, chịu chức ngày 19.12.2009 và đang phục vụ ở giáo xứ Gia Định.
* Về văn hoá: giáo xứ Hòa Hưng hãnh diện vì có một Lưu Xá Sinh Viên ngay cánh trái nhà thờ, với 166 nữ sinh viên, dưới sự chăm sóc chu đáo của 3 nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.
Giáo xứ Hoà Hưng đất không rộng, thiếu tiện nghi, nên luôn luôn phải lo xây dựng và phát triển. Hầu như mỗi năm thực hiện một công trình xây dựng, mỗi năm phát triển sinh hoạt hội đoàn. Giáo dân Hoà Hưng không giầu nhưng có lòng yêu thương nhau trong việc cộng tác với các vị chủ chăn và các tu sĩ.