Nằm trong khu vực cư xá Bắc Hải, thánh đường giáo xứ Tống Viết Bường tọa lạc trong một khuôn viên yên tĩnh, có nhiều cây xanh bóng mát, với khoảng 1.200 giáo dân. Ngày 20/5/1968, nhà thờ được đặt viên đá đầu tiên do một vị khâm sứ khởi xướng, kiểu dạng nhà nguyện nhỏ. Đến năm 1995, nhà thờ được nâng lên hàng giáo xứ và số giáo dân ngày càng đông hơn. Giáo xứ hiện nay đã phát triển được 4 giáo họ, gồm:
- Giáo Họ Kim Thông
- Giáo Họ Maria
- Giáo Họ Giuse
- Giáo Họ Phêrô
Phát triển nhiều đoàn thể và sinh hoạt tôn giáo rất sinh động.
Hình ảnh mừng trọng thể lễ bổn mạng giáo xứ (23/10/2010)
Tiểu sử thánh Phaolô Tống Viết Bường
Quan đội Tống Viết Bường sinh tại Phủ Cam gần kinh thành Huế, trong một gia đình Công giáo và có chức tước trong triều đình. Trong thời gian đi lính, ngài tỏ ra lanh lợi và can đảm nên được vua Minh Mệnh cho làm cai đội coi 50 người, về sau ngài còn được cất nhắc lên làm quan thị vệ. Quan Phaolô Bường một mực giữ đạo, hết lòng thờ phượng Chúa và trung thành với vua.
Khoảng năm 1831, có giặc cướp đến phá phách ở Ðá Vách thuộc tỉnh Quảng Ngãi, vua sai ngài đi dẹp giặc. Khi trở về ngài tâu trình với vua thì vua hỏi ngài có đến chùa Non Nước không, nhưng ngài khéo léo thưa lại rằng: "Vì Bệ Hạ không có dậy bảo nên thần chẳng dám đi". Vua hỏi: "Thường thường các quan khi dẹp giặc yên trở về hay đi viếng chùa sao ngươi lại không đi?" Quan Phaolô Bường đáp: "Hạ thần là người có đạo Công giáo nên không đi viếng chùa".
Vua Minh Mệnh liền nổi giận mắng nhiếc và ra lệnh bắt ngài bỏ đạo. Quan đội Bường nhất quyết một mực xưng đạo nên bị đánh 80 trượng và tước đoạt các chức tước, đồng thời phải đầy làm tôi tớ trong cơ binh. Nhờ đút lót tiền cho quan, ông được về nhà thong dong.
Một năm sau, nhân khi vua Minh Mệnh ra lệnh kê khai các lính thị vệ có đạo mới thấy thiếu tên ông đội Bường, vua liền ra lệnh bắt ngài, năm ấy ngài 50 tuổi. Hôm ấy vào tháng 12 năm 1832. Cha M. De Lamotte, lúc ấy đang giảng đạo tại kinh đô Huế, viết về cuộc xưng đạo của quan đội Bường như sau: "Tháng 12, quan đội Bường cùng với 6 người lính thị vệ bị bắt giam trong ngục, phải mang gông cùm. Một người đã chết trong tù ngày 8-3-1833. Một người khác cũng anh hùng xưng đạo là ông Tađêo Quyền, con rể của quan đội Bường".
Có một hôm, quan coi ngục muốn đổi gông nhẹ cho đội Bường, nhưng ngài đã thưa lại rằng: "Xin quan bỏ thêm xích xiềng cho nặng hơn vì trước đây họ có đánh tôi nhưng cũng chưa đủ".
Trong những lần tra khảo, đội Bường một mực chỉ nói về đạo mà thôi. Nếu quan ra lệnh bỏ đạo thì ngài thưa: "Tôi nhất định không chịu. Chúa đã dựng nên trời đất muôn vật mà tôi thờ phượng xưa nay, làm sao tôi có thể bỏ được?"
Mỗi lần khẳng khái thưa như vậy thì ngài lại bị đánh đòn. Lính cố gắng kéo chân ngài qua ảnh chuộc tội song ngài cố co chân lên và la lớn rằng: "Ðây là việc quan lớn làm, tôi không chiều theo đâu".
Ðánh đòn không ăn thua gì, quan lại dỗ dành và bảo: "Này, hãy theo thời mà sống. Bây giờ vua đang cơn thịnh nộ thì hãy tạm vâng lời bỏ đạo đi cho đẹp lòng vua một lúc, sau này sẽ hay, việc chi mà phải cứng cỏi làm vậy?"
Quan đội Bường thưa lại: "Quan lớn có lòng thương tôi thì tôi xin thưa rằng: hãy để tôi trọn một lòng trung hiếu cùng Thiên Chúa của tôi".
Khi bị giam ở trấn phủ, ông bị tra khảo 3 lần mỗi tháng. Ở trong tù, ông thường khuyên nhủ các đồng đạo cũng bị giam như sau: "Chúng ta hãy vui lòng chịu mọi sự khốn khó để giữ nghĩa cùng Chúa cho đến khi nào thánh ý Chúa định thể khác. Nếu quan có hành hạ thì cũng để mặc. Hễ xác chết rồi thì hồn chúng ta bay thẳng về trời, không sợ gì roi đòn. Chịu sự khó như vậy là vác thánh giá theo Chúa Giêsu. Nếu có đau đớn quá thì hãy xin Ðức Mẹ phù trợ cho được bền lòng đến cùng".
Có lần mấy người ngoại đạo khuyên dụ các lính trẻ chối đạo, đừng theo gương ông đội Bường đã già, nhưng hãy nghĩ đến vợ con, cha mẹ ở nhà, như vậy có phải đi đạo là tốt không? Lập tức ông đội Bường trả lời ngay: "Bên đạo chúng tôi ai chết trẻ là đi đường tắt, ai chết già là đi đường trường. Song đàng nào cũng tới quê thật là nước thiên đàng vậy".
Sau nhiều ngày giam tù và khuyên bảo không được, các quan làm án xin vua ra lệnh xử tử, song vua muốn hành hạ nhiều hơn. Dầu vậy, ngài vẫn một mực trung thành, các quan tâu lại với vua rằng: "Người Công giáo thật cứng lòng, dù có gia hình đến đâu cũng không thay đổi, vậy xin theo phép nước mà khép án cho xong, kẻo để lâu ngày mất công vô ích".
Lúc ấy Vua Minh Mệnh mới ưng cho các quan bộ hình ra án trảm quyết và phải bêu đầu quan đội Bường, người thông ngôn Micae, con rể quan đội Bường, và 6 binh sĩ: Vui, Mang, Quân, Hang, Minh và Phú.
Riêng quan đội Bường phải đem đi xử trước vào ngày 23-10. Khi hay tin, ngài gọi các bạn tù lại và xin họ cầu nguyện cho ngài được ơn bền đỗ xưng đạo Thánh Chúa và cũng để từ giã họ nữa. Tới giờ, lính đến điệu ngài đi. Lúc bấy giờ đã chiều tối, họ phải mang đuốc đi theo. Ði đầu là một tên lính cầm bản án rao to rằng: "Người này bị xử vì theo đạo Gia Tô, nên phải xử trảm quyết, đầu treo 3 ngày". Họ đi rất nhanh, đội Bường nói đùa với họ: "Các bạn việc gì mà phải đi nhanh thế? Tôi biết đường mà, chúng ta không lạc đâu!"
Khi đến họ Thợ Ðúc, gần Trường An, vua còn sai quan đến khuyến dụ ngài đạp ảnh chuộc tội để được tha. Quan nói rằng: "Ðội Bường, ông không phải là tướng cướp, cũng không phải là tên giặc. Ông không có tội gì ngoài tội theo đạo Công giáo, ông hãy xuất giáo rồi vua sẽ tha cho ông và hoàn cấp bực lại cho ông".
Ngài liền thưa với quan giám sát rằng: "Xin điệu tôi đi xử cho mau, cho tôi được về với Chúa, còn việc bỏ đạo thì không bao giờ tôi theo".
Lúc ấy cô con gái của ngài cũng ra nhìn mặt cha lần cuối. Nơi xử là nền nhà thờ cũ của họ Thợ Ðúc. Nhưng cầu sang bên ấy bị gẫy nên lính cho xử ngài ngay tại gần nhà con gái. Ngài xin họ cho ít phút để cầu nguyện. Khi đã sẵn sàng ngài nói với họ: "Việc tôi đã rồi". Người lính đao phủ liền chém đầu ngài. Quan cho phép đem xác ngài đi chôn, còn đầu phải bêu tại nền nhà thờ Thợ Ðúc 3 ngày theo lệnh của vua.
Ðức Thánh Cha Leo XIII tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27-5-1900.
Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong ngài lên bậc Thánh Tử Ðạo ngày 19-6-1988.